10 Cách để tăng cường trí tuệ cảm xúc

TRÍ TUỆ CẢM XÚC là gì? 

Trí tuệ cảm xúc là khả năng cảm nhận, hiểu và áp dụng hiệu quả cảm xúc để hợp tác và làm việc hiệu quả hơn với người khác.

Những nhà lãnh đạo thành công và những người có thành tích xuất sắc thường có kỹ năng trí tuệ cảm xúc tuyệt vời. Khía cạnh hấp dẫn nhất của trí tuệ cảm xúc là nó không cố định. Chỉ cần một chút chăm chỉ và một chút tham vọng, trí tuệ cảm xúc có thể được phát triển theo thời gian.

Trí tuệ cảm xúc bao gồm năm yếu tố riêng biệt:

TỰ NHẬN THỨC: Khả năng nhận biết và hiểu tâm trạng, cảm xúc và động lực của bản thân cũng như tác động của chúng lên người khác.

TỰ ĐIỀU CHỈNH: Khả năng kiểm soát hoặc chuyển hướng các xung lực gây rối và xu hướng suy nghĩ trước khi hành động.

ĐỘNG LỰC: Niềm đam mê trong công việc vượt qua tiền bạc hay địa vị xã hội. Động lực phản ánh lượng năng lượng và sự kiên trì mà bạn áp dụng cho một hoạt động.

NHẬN THỨC XÃ HỘI: Khả năng hiểu được cảm xúc, tâm trạng của người khác.

ĐIỀU CHỈNH XÃ HỘI: Khả năng quản lý thành thạo và xây dựng mạng lưới các mối quan hệ.

Khám phá 10 cách để tăng cường trí tuệ cảm xúc:

#1. NHẬT KÝ CẢM XÚC

Hãy suy ngẫm về sự hiện diện của bạn mỗi ngày và viết nhật ký về cách cảm xúc của bạn ảnh hưởng đến mục tiêu, động lực, điểm mạnh và những khát vọng chính của bạn. Hãy trung thực hoàn toàn với chính mình, đây là cơ hội để bạn học hỏi và phát triển. Sau khi bạn đã xác định xu hướng hành vi, hãy thảo luận với một người tư vấn đáng tin cậy, thành viên trong gia đình hoặc bạn bè. Hãy lên kế hoạch để xác định và giải quyết những trường hợp ảnh hưởng đến khả năng giữ bình tĩnh của bạn.

Hãy hỏi bản thân:

Tôi thường cảm thấy tốt khi nào?
Tôi thường cảm thấy không thoải mái khi nào?
Tôi nên ứng xử như thế nào với mỗi trường hợp trên?

#2. XÁC ĐỊNH CÁC YẾU TỐ KÍCH HOẠT

Mỗi ngày, hãy suy ngẫm về mối liên kết giữa cảm xúc và hành vi của bạn. Xác định những hành vi gây ra phản ứng tiêu cực. Khi bạn đã xác định được những yếu tố kích hoạt tiêu cực, hãy nghĩ ra ba phản ứng thay thế mà bạn có thể sẵn sàng áp dụng vào lần gặp phải yếu tố kích hoạt tiếp theo.

Hãy hỏi bản thân:

Mỗi lần bực bội, tôi sẽ phản ứng như thế nào?
Tôi cần phản ứng nào tốt hơn để thay thế phản ứng cũ?
Tôi có thể thay đổi những phản ứng đó như thế nào?

#3. LUYỆN TẬP THỂ DỤC ĐỀU ĐẶN

Hoạt động thể chất thường xuyên làm tăng khả năng quản lý cảm xúc và giảm căng thẳng. Hoạt động thể chất tạo ra các chất hóa học trong não, đặc biệt là endorphin giúp cải thiện tâm trạng và khiến bạn thư giãn hơn, mang lại cảm giác dễ chịu khắp cơ thể.

Hãy hỏi bản thân:

Tôi thích loại bài thể dục nào nhất?
Tôi có thể tập bài thể dục này nhiều hơn bằng cách nào?
Có hoạt động nhỏ nào tôi có thể thực hiện trong ngày không, như đi bộ vào bữa trưa hoặc đi cầu thang bộ?

#4. TỈNH THỨC

Thả lỏng, làm bản thân chậm lại để tâm trí và cơ thể bạn được nghỉ ngơi. Trong thời gian này, hãy xem xét những cảm xúc và trạng thái tinh thần của bạn, những cảm xúc này nên xuất hiện như thế nào và liệu chúng có phục vụ tốt cho bạn hay không.

Hãy hỏi bản thân:

Cảm xúc hiện tại của bạn là gì? (Gọi đúng tên cảm xúc)
Nguyên nhân nào gây ra những cảm xúc đó?
Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?

#5. XÁC ĐỊNH CÁC MỤC TIÊU CỤ THỂ

Khi bạn xác định được các mục tiêu trí tuệ cảm xúc cụ thể mà bạn cần cải thiện, hãy xem lại chúng thường xuyên để đảm bảo bạn đang đi đúng hướng. Đặt các mục tiêu vào nhật ký hoặc trên lịch của bạn để bạn có thể nhìn thấy dễ dàng. Hãy xem lại các mục tiêu của mình mỗi ngày và ăn mừng những chiến thắng nhỏ của bạn!

Hãy hỏi bản thân:

Tôi muốn đạt được điều gì liên quan đến quản lý cảm xúc của mình?
Tôi muốn đạt được những mục tiêu này vào lúc nào?
Để đạt được những mục tiêu này tôi cần luyện tập những thói quen nào?

#6. HÌNH DUNG NHỮNG KHÁT VỌNG CỦA BẠN

Điều quan trọng không chỉ là hành trình hoàn thành mục tiêu mà còn xem kết quả cuối cùng sẽ như thế nào. Cụ thể, hãy tạo ra một tầm nhìn bằng hình ảnh sống động, nơi giúp bạn hình dung được điểm cuối của hành trình. Để những hình ảnh đó trên tường nhà bạn, máy tính xách tay hay điện thoại di động để bạn có thể nhìn thấy kết quả mỗi ngày. Điều đó sẽ giúp cho khát vọng của bạn luôn nóng cháy, thúc đẩy bạn luôn đặt mục tiêu và sự tiến bộ của bản thân lên hàng đầu.

Hãy hỏi bản thân:

Trạng thái lý tưởng của tôi trông như thế nào?
Tôi cảm thấy như thế nào khi đạt được trạng thái đó?
Tại sao mục tiêu đó lại quan trọng với tôi?

#7. DỰ ĐOÁN PHẢN HỒI

Khi giao tiếp với người khác, hãy tự hỏi xem mọi người sẽ phản ứng thế nào trước cử chỉ hoặc câu nói của bạn. Khi bạn đoán trước được cảm xúc của họ, bạn đang xem xét phản ứng tiềm ẩn mà một người có thể đưa ra. Việc nhận thức xã hội sẽ giúp bạn thành công hơn trong việc giao tiếp với người khác và bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình. Nói tóm lại, bạn tạo ra những tình huống đôi bên cùng có lợi khi dự đoán những phản ứng cảm xúc trước khi giao tiếp với người khác.

Hãy hỏi bản thân:

Người này hiện đang cảm thấy thế nào?
Tôi có thể hiểu được cảm xúc của người này bằng cách nào?
Tôi có thể làm cho người này cảm thấy thoải mái hơn bằng cách nào?

#8. QUAN SÁT CẨN THẬN

Theo nghiên cứu của Albert Mehrabian, một nhà nghiên cứu tiên phong về ngôn ngữ cơ thể trong những năm 1950, hơn 55% giao tiếp được truyền qua các dấu hiệu phi ngôn ngữ. Một số người tin rằng con số này còn cao hơn. Những dấu hiệu phi ngôn ngữ này bao gồm biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ tay, những cử động không kiểm soát và tư thế cơ thể. Việc chú ý cẩn thận đến những dấu hiệu giao tiếp quan trọng này có thể tạo ra cái nhìn sâu sắc vào cảm xúc của người mà bạn đang giao tiếp. Nhận thức về cử chỉ phi ngôn ngữ của chính bạn sẽ giúp bạn tránh việc gửi nhầm thông điệp.

Hãy hỏi bản thân:

Ngôn ngữ cơ thể của tôi hiện đang nói lên điều gì?
Ngôn ngữ cơ thể của người khác đang cho tôi biết điều gì về họ lúc này?
Nếu họ cảm thấy tốt hơn, ngôn ngữ cơ thể của họ sẽ thay đổi như thế nào?

#9. TÌM ĐIỂM CHUNG

Thể hiện sự tò mò thực sự đối với người khác và hạnh phúc của họ. Xác định và đánh giá cao những điều khiến một người nổi bật so với những người khác trong đám đông. Để khám phá những lĩnh vực họ quan tâm, hãy đặt câu hỏi cho người khác và chăm chú lắng nghe. Bình luận về các lĩnh vực cùng quan tâm và xây dựng từ đó. Trên hết, hãy có mặt trong cuộc trò chuyện.

Hãy hỏi bản thân:

Người này quan tâm đến điều gì nhất?
Tôi và người này có điểm chung nào?
Tôi có thể xây dựng cầu nối đến điều họ quan tâm như thế nào? 

#10. GIAO TIẾP BẰNG MẮT

Giao tiếp bằng mắt mạnh mẽ cho thấy bạn quan tâm đến điều người khác đang nói. Làm như vậy thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến đối phương. Sử dụng các phương thức cho thấy bạn quan tâm câu chuyện của người đối diện bằng cách nhướn mày và nghiêng người về phía trước. Bạn thấy đấy, giao tiếp không chỉ giới hạn trong ngôn từ, nó vượt ra ngoài bởi sự tinh tế. 

Hãy hỏi bản thân:

Tôi cho người này biết rằng tôi quan tâm họ trọn vẹn bằng cách nào?
Nét mặt nào của tôi sẽ khiến họ cảm thấy được tôn trọng?
Tôi có thể lắng nghe chăm chú hơn bằng cách nào?

Nguồn: TTI Success Insights

Đăng ký tư vấn khóa học

Khi nhấn “Gửi thông tin”, tôi đã đọc và đồng ý với Điều khoản sử dụng và Chính sách bảo mật của SEED VIETNAM

Cập nhật những kiến thức khác

Personal Effectiveness
Xây dựng sự kiên cường

Bất cứ nơi nào bạn sống hoặc làm việc, căng thẳng đang gia tăng. Theo Tổ chức Lao động Quốc

Call Button Messenger Button