lien-tuc-hoc-hoi-trong-cong-viec-ngay-ca-khi-cam-thay-met-moi

Liên Tục Học Hỏi Trong Công Việc – Ngay Cả Khi Cảm Thấy Mệt Mỏi

Bài viết này cung cấp các chiến lược hữu ích để học tập liên tục ngay cả khi bạn cảm thấy quá tải tại nơi làm việc. 

Kể cả bạn muốn thăng tiến trong vai trò lãnh đạo hay duy trì sự phù hợp với vị trí hiện tại, thì việc học hỏi liên tục là điều vô cùng quan trọng để đạt được thành công. Rốt lại, nếu bạn không phát triển trong thế giới luôn thay đổi này, thì bạn không chỉ bị tụt lại phía sau so với đối thủ cạnh tranh mà bạn còn nhận ra rằng các kỹ năng hiện tại của bạn có thể trở nên không còn hiệu quả nữa. 

Cùng lúc đó, có thể bạn đang cố gắng “gồng mình” với khối công việc hiện tại mà không còn đủ năng lượng để dành cho việc học. Nếu đúng vậy, thì bạn không phải là người duy nhất. Một nghiên cứu năm 2024 cho thấy hơn một nửa số nhân viên cảm thấy kiệt sức vào mỗi cuối ngày làm việc. Điều này có nghĩa là họ không chỉ mệt mỏi vì phải hoàn thành công việc hằng ngày, mà họ còn không đủ sức lực để theo đuổi những hoạt động thực sự quan trọng cho sự phát triển trong tương lai. 

Là một chuyên gia khai vấn cho nhiều nhà lãnh đạo tài năng thường xuyên bị áp lực, Nihar Chhaya nhận thấy rằng việc họ không khai thác được tiềm năng của họ cũng gây ra căng thẳng tinh thần, giống như việc tăng ca gây mệt mỏi về thể chất. Tuy nhiên, một lộ trình học tập phù hợp giúp họ vượt qua vùng an toàn, đem lại ý nghĩa và phù hợp với cách tiếp thu của họ, đó chính là điều giúp họ khôi phục năng lượng đã mất. Hãy cân nhắc 5 chiến lược sau để đảm bảo bạn vẫn đang tiếp tục học hỏi, ngay cả khi cảm thấy kiệt sức hoặc bị quá tải. 

1. Thách thức những niềm tin về khả năng học hỏi của bạn
Nihar Chhaya từng làm việc với một giám đốc điều hành cấp cao đang dẫn dắt một đội ngũ mới rải rác khắp các quốc gia. Anh ấy đã kiệt sức vì phải di chuyển đến các quốc gia đó để tương tác hiệu quả với họ. Dù anh ấy rất hào hứng với vai trò lãnh đạo cấp cao này, nhưng sự tự ti bắt đầu xuất hiện, và một tiếng nói nội tâm phê phán khiến anh ấy đặt các câu hỏi về khả năng lãnh đạo của mình trong những lúc như vậy. Bằng cách quan sát tiếng nói chỉ trích bên trong từ xa, anh ấy nhận ra rằng mình đang có một niềm tin cố hữu rằng không thể “học lái máy bay trong khi nó đang bay”. 

Khi bạn cảm thấy kiệt sức, bạn có thể bắt đầu định nghĩa chính mình qua sự mệt mỏi mà quên mất rằng bạn cần phải kiểm soát suy nghĩ và niềm tin của mình. Trong những lúc này, mỗi lần bạn thốt lên “Tôi quá mệt”, bạn dạy cho tâm trí mình rằng có lẽ không thể học hỏi gì khi đã kiệt sức. Thay vào đó, hãy cố gắng quan sát sự mệt mỏi của bạn mà không đánh giá hay muốn phớt lờ nó, và hãy tìm hiểu về những gì có thể xảy ra ngay cả khi có những hạn chế như vậy. Việc tạo không gian cho sự mệt mỏi sẽ cho phép bạn phản ứng một cách chủ động hơn và từ đó bạn có thể tìm ra cách để thách thức những niềm tin không hữu ích mà bạn đã giữ trong trạng thái đó. 

Khi vị giám đốc điều hành mà Nihar khai vấn quyết định thách thức những niềm tin cố hữu của mình, thì anh ấy nhận ra rằng mình thực sự có thể lãnh đạo với sự quyết tâm và vẫn có thể học hỏi để cải thiện bản thân. Không lâu sau, năng lượng của anh ấy đã thay đổi và anh ấy trở nên hào hứng hơn với việc dành thời gian cho việc học, đọc các bài viết về việc lãnh đạo đội ngũ toàn cầu và xem các video về cách nâng cao sự hiện diện của lãnh đạo cho những chuyến thăm sắp tới của mình. 

2. Bắt đầu với các vấn đề cấp thiết
Tương tự như cách tiền tăng nhanh nhờ lãi suất kép trên số dư hiện có, động lực học hỏi của bạn sẽ tăng khi bạn xây dựng trên những gì mình đã biết và làm. Thay vì học những môn không cần thiết hay không liên quan, hãy bắt đầu với những chủ đề gắn với các thách thức hiện tại, mở rộng kiến thức để tạo đà phát triển cách nhanh chóng. 

Một khách hàng mà Nihar đang khai vấn đã cảm thấy quá tải trong công việc suốt nhiều năm qua. Trong một bài đánh giá 360 độ gần đây, anh ấy phát hiện ra người khác cho rằng anh “chậm ra quyết định.” Ban đầu anh ấy không đồng ý với nhận xét này, nhưng sau đó quyết định học hỏi từ nó và nhận ra một điều quan trọng là việc anh tránh né việc ra quyết định đã khiến công việc tồn đọng, và có lẽ đó là lý do tại sao anh luôn cảm thấy quá tải. Đột nhiên, việc học cách đưa ra quyết định tốt hơn dường như trở nên hữu ích, hấp dẫn và có thể là một cách giúp anh ấy thoát khỏi khối lượng công việc nặng nề. Sau khi tìm hiểu từ nhiều tài liệu về chủ đề này, anh quyết định dạy lại cho đồng nghiệp một số phương pháp đã học để ghi nhớ tốt hơn. Việc hướng dẫn họ giúp anh nâng cao kiến thức về chủ đề này và tăng thêm sự tự tin trong việc áp dụng. Anh cũng có biểu hiện những thay đổi tích cực trong cách người khác nhìn nhận phong cách làm việc của mình. 

3. Đừng bó buộc bản thân vào các chương trình học 
Khi nghĩ đến việc học hỏi tại nơi làm việc, nhiều người thường nghĩ ngay đến việc theo học bằng cấp sau đại học hoặc chứng chỉ tại một trường đại học danh tiếng. Mặc dù các chương trình này mang lại nhiều lợi ích giá trị nhờ tính học thuật và uy tín xã hội, chúng cũng có thể rất tốn kém, độc quyền và mất nhiều thời gian. 

Khi quyết định định hình con đường học hỏi của mình, hãy nhớ rằng các chương trình chính quy chỉ là một trong nhiều cách, và thường có thể quá lý thuyết hoặc nhàm chán, làm cho chúng ít hữu ích hơn cho một số chủ đề công việc so với các phương pháp như học hỏi từ đồng nghiệp, cố vấn, hoặc phản hồi 360 độ. 

Nihar từng khai vẫn cho một Phó Giám đốc nhân sự vừa mới được thăng chức, đó là người có rất ít thời gian rảnh nhưng muốn nâng cao kiến thức về tài chính để tăng giá trị chiến lược và khả năng tư vấn cho công ty. Cô ấy không muốn tham gia các khóa học trình độ MBA và thay vào đó đã quyết định hỏi người đồng nghiệp trong đội ngũ lãnh đạo là Giám đốc Tài chính (CFO), xem cô có thể học hỏi từ ông ấy không. Họ sắp xếp các buổi gặp gỡ 1 : 1 hàng tháng, trong thời gian đó ông ấy sẽ giải thích các khía cạnh quan trọng trong việc xem xét báo cáo lãi lỗ, và cô ấy sẽ trình bày lại cách hiểu của mình để nhận phản hồi. 

Cách tiếp cận này không chỉ giúp cô nhanh chóng hiểu sâu về tình hình tài chính của công ty dù lịch trình rất bận rộn, mà còn xây dựng một mối quan hệ quý báu với CFO và đội ngũ của ông – điều chưa từng có trước đây giữa các phòng ban của họ. Uy tín của cô như một nhà lãnh đạo nhân sự có định hướng kinh doanh tăng vọt, và trong quá trình này, cô cũng giúp CFO hiểu rõ hơn về chiến lược nhân sự, một lĩnh vực mà ông chưa hiểu biết nhiều về nó. 

4. Tạo kết nối cảm xúc với việc học
Một cách khác để việc học hỏi trở nên dễ dàng hơn là tìm kiếm những trải nghiệm phù hợp với giá trị của bản thân thay vì những kỳ vọng nhất thời từ người khác. Khi có động lực từ bên trong, việc học hỏi liên tục và chủ động sẽ trở thành một phần thú vị trong cuộc sống thay vì là một mục tiêu phải hoàn thành trong danh sách công việc.  

Nihar từng làm việc với một nhà lãnh đạo, thường được đề xuất cho các chương trình đào tạo nâng cao, hội thảo lãnh đạo và cơ hội diễn thuyết, vì các quản lý của cô ấy coi cô là người có tiềm năng thăng tiến, có thể thậm chí lên đến vị trí CEO. Dù cảm thấy vinh dự khi được tài trợ, cô cũng thấy những hoạt động này trở nên nặng nề bên cạnh công việc chính của mình, và bắt đầu tự hỏi liệu mình có thực sự muốn thăng tiến hay không. Để làm rõ điều này, nhà lãnh đạo ấy tạm gác lại những kỳ vọng từ người khác và suy ngẫm về các giá trị cá nhân. Cô nhận ra mình yêu thích việc giải quyết các vấn đề lớn trong ngành và có tham vọng thúc đẩy thay đổi, nhưng cũng mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Cô nhận ra rằng việc thăng tiến có thể khiến cô có ít thời gian bên gia đình hơn, nhưng đồng thời cũng cho cô quyền tự chủ nhiều hơn trong việc ra quyết định và lựa chọn thời gian so với khi ở vị trí cấp dưới. Về mặt cảm xúc, cô cảm thấy rằng nếu có thể thành công trong việc cân bằng các giá trị giữa gia đình và công việc, cô sẽ cho con gái thấy những điều phụ nữ có thể đạt được trong kinh doanh. Chính từ bối cảnh cảm xúc này, cô đã thay đổi cách nhìn về các cơ hội học hỏi, từ những gì người khác kỳ vọng thành những trải nghiệm cô muốn tận dụng cho mục tiêu của mình. 

5. Làm việc với não bộ của bạn, đừng chống lại nó
Khi bạn đã có cảm xúc gắn bó với việc học các kỹ năng mới, bạn sẽ thấy mình có động lực để vượt qua sự mệt mỏi và tiếp tục tiếp thu thông tin. Nhưng việc học sẽ không hiệu quả nếu não bạn khó giữ lại kiến thức. 

Một cách quan trọng khác để học hiệu quả khi bạn kiệt sức là thiết kế phương pháp học phù hợp với cách não bộ hoạt động để ghi nhớ. Cuối thế kỷ 19, nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus đã miêu tả “đường cong lãng quên” để giải thích tốc độ mà con người quên đi những điều đã học. Dù các yếu tố như nghỉ ngơi và độ phức tạp của chủ đề có ảnh hưởng đến khả năng nhớ lại, chúng ta vẫn có xu hướng quên nhanh. Trong vòng một ngày, bạn chỉ nhớ được khoảng một nửa nội dung đã học, và sau một tuần chỉ còn khoảng 10%, khiến việc học lâu dài trở thành cuộc đua với thời gian đối với não bộ. 

Tin vui là qua các kỹ thuật như lặp lại cách quãng và kiểm tra trí nhớ, bạn có thể cải thiện khả năng ghi nhớ. Giả sử bạn đã học một số mô hình phức tạp để cải thiện kết quả kinh doanh và muốn trình bày một cách tự tin nhằm tăng cường sự đồng thuận từ các bộ phận khác trong công ty. Để tránh đọc xong rồi quên, bạn có thể dành nửa tiếng mỗi sáng và tối để ôn lại từng phần, lặp lại cách quãng. Sau đó, tự kiểm tra trí nhớ của mình về các mô hình cho đến khi bạn thành thạo. 

Để tăng cường khả năng tiếp thu của não bộ, hãy tiếp tục bổ sung nội dung học mới mẻ vào thông tin bạn đang học. Nghiên cứu cho thấy rằng, càng có nhiều nội dung độc đáo, tốc độ quên càng chậm lại. Bạn có thể phát triển thêm ngữ cảnh xung quanh các mô hình đã ghi nhớ, như tìm hiểu về các công ty đã sử dụng chúng hoặc phỏng vấn đồng nghiệp để có thêm góc nhìn mới. Kết hợp các phương pháp này sẽ giúp kiến thức mới được in sâu vào não với khả năng ghi nhớ cao hơn. 

Trong thế giới nhịp độ nhanh ngày nay, học hỏi liên tục là chìa khóa để có ảnh hưởng lâu dài trong sự nghiệp, nhưng cảm giác quá tải với công việc hằng ngày khiến việc duy trì việc học trở nên khó khăn. Bằng cách sử dụng những chiến lược này, bạn có thể xây dựng hành trình học tập suốt đời giúp nâng cao kỹ năng và đưa bạn đến gần hơn với tiềm năng cao nhất của mình, đồng thời thoát khỏi sự mệt mỏi. 

Nguồn: hbr.org

Đăng ký tư vấn khóa học

Khi nhấn “Gửi thông tin”, tôi đã đọc và đồng ý với Điều khoản sử dụng và Chính sách bảo mật của SEED VIETNAM

Cập nhật những kiến thức khác

Call Button Messenger Button